Thông tin tổng hợp

Có tiền nhàn rỗi nên mua vàng hay gửi tiết kiệm?

Khi có một khoản tiền nhất định, chúng ta đều nghĩ đến việc sử dụng chúng cho mục đích cụ thể nào đó. Cụ thể như mua vàng hay gửi tiết kiệm. Bài viết này sẽ đi vào phân tích những ưu nhược điểm của 2 hình thức này, từ đó độc giả sẽ có cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về câu hỏi vô cùng phổ biến này.

1. Gửi tiết kiệm

Gửi tiết kiệm qua ngân hàng là cách nhanh và cũng dễ dàng nhất khi bạn đang có trong túi tiền một khoản kha khá. Ngày nay có rất nhiều hình thức gửi tiền thông minh giúp bạn không cần phải ra ngân hàng mà vẫn có thể gửi ngay lập tức (thông qua Internet banking, tiết kiệm online).

Vậy ưu nhược điểm của hình thức gửi tiết kiệm là gì?

Ưu điểm

  • Đây là hình thức truyền thống, uy tín và hạn chế rủi ro nhất so với các hình thức đầu tư khác. Với gửi tiết kiệm, bạn sẽ nhận được tiền lãi đều đặn vào mỗi quý/ mỗi năm, không cần phải lo lắng đầu tư ở đâu? như thế nào? có an toàn hay không.
  • Gửi tiết kiệm rất phù hợp với những ai không có nhiều điều kiện tìm hiểu về tài chính, về cách đầu tư và muốn lựa chọn phương án an toàn, ổn định, hạn chế rủi ro.
  • Ngoài ra phải kể đến ưu điểm dễ dàng thanh khoản và rút tiền bất kì lúc nào. Bạn cần tiền vào việc gấp? hay bạn muốn nhanh chóng tất toán số tiền đã gửi tiết kiệm? => Lựa chọn gửi online ở các ngân hàng là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
  • Thêm một ưu điểm nổi bật nữa đó là với khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bạn có thể dùng nó làm cơ sở xác minh nhằm mục đích vay vốn, mở thẻ tín dụng. Hoặc bảo lãnh cho người thứ ba được vay vốn, xác nhận khả năng tài chính để du lịch, học tập. Ví dụ, khi vay vốn, ngân hàng nhìn hồ sơ vay của bạn, họ sẽ dựa vào các yếu tố khác nhau, trong đó có cả lịch sử giao dịch của bạn với ngân hàng. Điều đó giúp uy tín của bạn đối với ngân hàng cao, cơ hội được duyệt vay nhiều hơn.

Nhược điểm

Cũng bởi vì hình thức đầu tư tương đối là an toàn cho nên gửi tiền tiết kiệm không phải là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Nếu không chịu rủi ro thì rất khó để các nhà đầu tư có thể làm giàu được.

Với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, bạn phải chịu rủi ro cao nhưng bù lại tiền lời cao hơn tiền gửi rất nhiều.

Nếu bạn là một nhà đầu tư năng động với nhiều dự án cần xoay vòng vốn thì việc để tiền gửi có kỳ hạn sẽ làm bạn bị động khi rút tiền ngay lúc đó. Nhiều ngân hàng chỉ cho phép rút tiền vốn vào cuối kỳ nên sẽ không có cách nào trừ phi bạn chịu mất tiền lãi hoặc chỉ nhận phần lãi cho khoảng thời gian bạn đã gửi trước đó bằng lãi suất không kỳ hạn.
Chưa hết sắp tới còn có kiến nghị thông qua dự luật áp thuế lên lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Dù chưa biết kết quả nhưng mọi người vẫn lo ngại nếu còn có thêm một loại thuế này sẽ làm giảm tiền lời từ khoản tiền gửi trong khi lãi suất ngân hàng không cao.

2. Mua vàng

Vàng là khoản đầu tư an toàn mà ai khi bắt đầu đầu tư đều nghĩ đến. Tuy nhiên giống như các khoản đầu tư khác, mua vàng, tích trữ/ đầu tư vàng cũng tồn tại song song các ưu – nhược điểm khác nhau. Bài viết này sẽ chỉ ra vài điểm có thể kể đến khi bạn quyết định rót vốn đầu tư vào Vàng.

Ưu điểm

Hình thức đầu tư dài hạn và an toàn vì theo bản chất thì vàng chính là đồng tiền chung của thế giới. Có giá trị ở mọi quốc gia. Khi bạn sở hữu vàng, đồng nghĩa với việc bạn sở hữu “đồng tiền” có thể lưu hành, mua bán tại các nước mà không lệ thuộc vào bất kì giá trị tiền tệ nào như Đô Mỹ, Bảng Anh,….

Khi lạm phát gia tăng, giá trị tiền tệ giảm tỉ lệ nghịch với sự gia tăng của giá vàng. Nói cách khác lạm phát chính là dấu hiệu lên xuống của chính giá vàng. Vàng là mặt hàng giao dịch được dựa trên cung và cầu. Sự tương tác giữa cung và cầu quyết định giá vàng ngay tại thời điểm giao dịch đó. Khi các nhà đầu tư lo lắng về kinh tế, họ thường mua vàng, và khi nhu cầu đầu tư của vàng tăng cao, giá vàng sẽ tăng lên.

Trong bối cảnh Covid 19 tác động nhiều đến kinh tế thế giới như hiện nay, vàng được coi là quỹ đầu tư an toàn và hiệu quả nhất. Bạn cũng có thể đầu tư vàng khi cần một cách ăn chắc mặc bền và tính theo hướng về lâu về dài.

Nhược điểm

Vàng là kênh không đem lại được thu nhập thụ động. Vàng cũng không cho bạn khoản tiền lãi hoặc cổ tức như trái phiếu hay thị trường chứng khoán đem lại. Điều bạn có thể làm là bán vàng khi nó tăng giá. Khoản chênh lệch đó làm tăng thu nhập của bạn.
Cần nơi lưu trữ và bảo hiểm dưới dạng vật chất. Nếu bạn mua vàng ở dạng giấy tờ có giá trị thì cần lưu trữ nó và có bảo hiểm.
Giá vàng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ các Chính sách điều hành thị trường của Chính Phủ. Vì vậy, nhiều khi giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Những biến động kéo theo đó không đồng nhất với diễn biến giá vàng thế giới. Do đó, sự rủi ro từ việc đầu cơ vàng ngắn hạn là có thể xảy ra.

Cũng giống như chứng khoán, vàng cũng có nhiều biến động. Giá trị của vàng bị ảnh hưởng nhiều bởi một số yếu tố như thay đổi chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Trong khi nền kinh tế của các quốc gia khác như Trung Quốc ảnh hưởng đến giá vàng, tác động của nền kinh tế Mỹ là lớn nhất.

Ngoài ra, giá trị của đồng USD có sự tương quan nghịch với vàng. USD hiện đang được giao dịch trong thị trường tiền tệ biến động. Điều này góp phần nào làm cho giá vàng dễ giảm. USD là đồng tiền dự trữ được ưa thích bởi đây là đồng tiền duy nhất ở trong giai đoạn từ 1931-1971 được bảo đảm bằng vàng. Tại thời điểm đó thì USD được coi ngang với vàng, hoặc được sử dụng thay thế cho vàng. Nếu USD mạnh lên thì giá vàng sẽ giảm.

3. Nếu có tiền nhàn rỗi thì nên mua vàng hay gửi tiết kiệm

Tiền nhàn rỗi nên mua vàng hay gửi tiết kiệm? Có 50 triệu nên mua vàn hay gửi tiết kiệm? Có 100 triệu nên mua hàng hay gửi tiết kiệm? Đây chính là các câu hỏi được nhiều người quan tâm. Để giáp đáp phần nào thắc mắc, bạn cần chú ý những điều sau:

Nếu như bạn có tiền nhàn rỗi, một số chuyên gia khuyên rằng bạn nên chia số tiền đó ra để có thể vừa mua vàng, vừa gửi tiết kiệm.

Về vàng thì khi đầu tư dài hạn sẽ có lợi hơn. Còn tiết kiệm dù mức sinh lời không cao nhưng lại an toàn hơn và có thể rút ra sử dụng bất kỳ lúc nào.

Việc bạn bỏ tất cả tiền vào vàng hay bỏ tất cả tiền vào tiết kiệm đều là rủi ro. Và tùy từng thời điểm mà bạn có thể phân chia số tiền của mình cho việc mua vàng nhiều hơn hay gửi tiết kiệm nhiều hơn. Ví dụ nếu như bạn lo ngại VNĐ sẽ mất giá thì bỏ nhiều tiền hơn để mua vàng sẽ là an toàn. Nếu như kinh tế ổn định, lãi suất tiết kiệm trở nên hấp dẫn thì bạn có thể rút bớt tiền từ mua vàng để gửi tiết kiệm.

Ngoài ra khi bạn đầu tư mua vàng thì bạn cần phải tính trước khả năng sẽ bị thua lỗ nếu như giá vàng liên tục giảm mạnh so với mức giá mà bạn mua ban đầu. Bên cạnh đó việc cất giữ vàng ở nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến trộm cắp hay cháy, nổ. Nếu lựa chọn gửi vàng tại ngân hàng thì bạn sẽ phải chịu thêm các khoản phí giữ hộ.

Với những ai có thói quen gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để giảm rủi ro và để bảo toàn vốn thì việc gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn an toàn và sáng suốt nhất. Đầu tư bằng cách gửi tiết kiệm dài hạn sẽ không lỗ, song khả năng sinh lời cũng không được cao. So với gửi tiết kiệm, điểm đặc biệt của vàng đó là tính thanh khoản cao, việc mua bán được diễn ra nhanh chóng mà không sợ bị ngâm vốn.

Tuy nhiên, sự tăng giảm thất thường của giá vàng với biên độ rất lớn là sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lướt sóng nhưng làm nhiều người giữ vàng “hú vía”. Đối với những ai có số tiền chưa đủ để đưa vào bất động sản nhưng muốn kiếm lợi nhuận mà đủ sáng suốt trong đầu tư và chấp nhận rủi ro không may xảy ra thì vàng là một kênh bỏ vốn phù hợp.

Bình luận